Xe khách từ lâu đã trở thành một phương tiện quen thuộc được nhiều người lựa chọn bởi sự phổ biến, tiện lợi và phù hợp túi tiền. Hiện nay, chất lượng dịch vụ tại các bến xe, nhà xe, phương tiện được đổi mới, ngày càng an toàn, văn minh, thân thiện, đã đáp ứng hầu hết nhu cầu di chuyển với nhiều mục đích như đi du lịch, công tác hay trở về quê… của người dân.
Những lợi ích của hành khách khi vào Bến xe sử dụng dịch vụ xe khách tuyến cố định.
Lục lại ký ức của nhiều năm về trước, phần lớn hành khách luôn thường trực những lo lắng, không an tâm khi tới bến xe, trong đó có nỗi lo bị trộm cắp, móc túi, chèn ép giá…Nhưng nay, chất lượng phục vụ hành khách tại các bến xe đã có chuyển biến rất tích cực, hướng tới chất lượng sân bay để thu hút khách hàng.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội (Bến xe Hà Nội) chủ trương xây dựng các Bến xe Mỹ Đình – Giáp Bát – Gia Lâm theo định hướng bến xe chất lượng cao, dịch vụ tốt, cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, đa dạng kênh chăm sóc, hỗ trợ để hành khách dễ tiếp cận, sử dụng như qua hotline, Zalo OA, Fanpage, tiktok… Quyền lợi của khách hàng được quan tâm và đảm bảo.
Dù mua vé bằng các ứng dụng công nghệ hay trực tiếp tại bến xe thì việc mua vé khi đi xe chính là nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình: Quyền được đi xe an toàn, đúng tuyến, đúng giá quy định… được đảm bảo. Hành khách có thể khảo sát trước và so sánh giá của các nhà xe cùng tuyến đường để lựa chọn nhà xe có chất lượng, giá cả phù hợp nhất và không lo bị tăng giá vé khi lên xe đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ, Tết, mùa du lịch… Trong suốt quá trình lưu thông, nhà xe sẽ bị xử lý theo quy định khi thu thêm tiền của khách hàng hay “bán” sang xe khác. Hành khách không mua vé theo quy định, trong quá trình sử dụng xe khách phát sinh các sự kiện pháp lý như: Tai nạn, bị “nhồi nhét”, “chặt chém” giá vé…thì công tác giải quyết, xử lý vụ việc gặp nhiều khó khăn.
Khi hành khách sở hữu một tấm vé xe, đồng nghĩa giữa bạn và phía chủ xe đã phát sinh một hợp đồng vận chuyển hành khách, vé xe được coi là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa hai bên trong trường hợp xảy ra sự vụ không mong muốn (va chạm, tai nạn…), bản thân hành khách sẽ được bảo hiểm.
Do vậy, đến bến xe và đi xe tuyến cố định không chỉ là giải pháp tối ưu cho mọi hành khách mà còn góp phần làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông khi bắt xe dọc đường.
Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe khách tuyến cố định quy định tại Điều 28 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, cụ thể như sau:
1. Được yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đã đăng ký và niêm yết.
2. Được yêu cầu nhân viên phục vụ trên xe xuất vé đúng loại sau khi trả tiền; giữ vé suốt hành trình và xuất trình vé khi người có thẩm quyền kiểm tra.
3. Được nhận lại số tiền vé theo quy định khi xảy ra các trường hợp như sau: “Nhà xe có trách nhiệm thanh toán tối thiểu 90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 02 giờ đối với tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở xuống và ít nhất 04 giờ đối với tuyến cố định có cự ly trên 300 km; thanh toán tối thiểu 70% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 01 giờ đối với tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở xuống và ít nhất 02 giờ đối với tuyến cố định có cự ly trên 300 km”.
4. Được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
5. Chấp hành các quy định khi đi xe để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên xe; lên, xuống xe tại bến xe hoặc các điểm dừng đón, trả khách theo quy định.
6. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tác giả: P.TC-KT